Ngày nay, lười trò chuyện với con, lạm dụng tivi, ipad để dỗ trẻ hay ít cho con giao tiếp với thế giới bên ngoài … là những lỗi của cha mẹ đã vô tình làm bé chậm nói.
Là bậc làm cha mẹ, ai cũng mong chờ ngày con mình cất tiếng gọi “mẹ ơi” “bố ơi” đầu tiên. Thông thường, trẻ từ 7- 12 tháng có thể bập bẹ được những từ đơn giản như “măm măm” hay “ma ma”. Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng vậy, có những bé đến 18 tháng thậm chí vẫn chẳng nói nổi từ nào. Nhiều mẹ trở lên lo lắng và căng thẳng vì việc bé chậm nói, nhiều người lại cho rằng đó là do “con mình nó vậy” hay “trẻ biết đi sớm nên nói muốn”. Tuy nhiên, các mẹ đâu biết rằng việc để con nói sớm cũng cần một phần lỗ lực rất lớn từ phía cha mẹ. Các bậc phụ huynh thường hay mắc những sai lầm sau đây mà không hề biết chính nó đã làm bé chậm nói hơn bình thường.
Thả con chơi với tivi, ipad, điện thoại
Cuộc sống bận rộn nên cha mẹ thường không có nhiều thời gian chơi với trẻ mỗi ngày. Giờ đây, việc dỗ dành trẻ trở nên dễ dàng hơn khi thả con chơi với tivi, ipad, điện thoại. Nhiều bố mẹ thường yên tâm khi làm vậy vì thấy con chơi ngoan ngoãn, tập trung theo dõi mà không nghịch ngợm gì. Từ bao giờ các bậc phụ huynh đã giao con cho “cô trông trẻ” bất đắc dĩ này mà không hề biết rằng đây là nguyên nhân khiến con chậm nói.
Thật vậy, thường xuyên xem tivi, máy tính, trẻ sẽ lười tư duy và ít muốn trò chuyện. Thời gian ngồi trước tivi, máy tính, điện thoại, bé chỉ chăm chú quan sát và lắng nghe chứ hoàn toàn không kích thích bé mở miệng nói chuyện. Thói quen này, ngày qua ngày nếu bị lạm dụng sẽ khiến khả năng ngôn ngữ của trẻ bị chậm phát triển so với những bé cùng tuổi.
Nuông chiều con, muốn gì được nấy
Nhiều cha mẹ tự hào rằng hiểu ý con, chỉ cần con với tay muốn thứ gì là bố mẹ sẽ đưa cho con ngay chứ không chờ đến khi bé cất tiếng. Điều này cực kì sai lầm. Việc nuông chiều cho con tất cả những thứ con muốn không những làm cho bé trở nên phụ thuộc, ỉ lại mà còn không thể kích thích được khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Thay vì vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện để khuyến khích bé nói. Nếu bé muốn lấy đồ chơi hay bình sữa, bố mẹ nên đặt ra những câu hỏi như “con cần thứ gì nào?” “Con cần chú gấu này phải không?” . Việc mong muốn có được thứ mình cần cùng những câu hỏi bố mẹ nêu ra cho con sẽ kích thích bé mở miệng nói. Điều này nếu nên xảy ra thường xuyên, chắc chắn trẻ sẽ nhanh biết nói.
Ngại đối thoại với con
Các chuyên gia đều cho rằng, cha mẹ nên trò chuyện với bé từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi bé chào đời. Ở giai đoạn bé tập nói thì việc này đóng vai trò cực kì quan trọng. Nhiều bậc phụ huynh lười nói chuyện với con vì cho rằng bé không hiểu nên thành ra bố mẹ tự độc thoai một mình. Nhưng thực tế không phải vậy, việc lắng nghe giọng nói của bố mẹ thường xuyên cũng khiến não bé làm quen dần với ngôn ngữ. Lâu dần, bé sẽ háo hức được trò chuyện và đáp lời cha mẹ.
Bắt chước giọng ê a của trẻ
Nhiều bậc cha mẹ khi chơi với con thường hay nựng bé bằng cách bắt chước lại tiếng ê a của trẻ. Khi thấy bé cười cha mẹ càng muốn tìm cách trêu bé như vậy. Điều này thật ra là sai lầm của cha mẹ. Đừng bao giờ nhại lại giong nói của bé, hãy nói chuyện với bé như bình thường. Nếu thấy trẻ nói ngọng, nói sai, cha mẹ nên sửa lỗi cho con để con học theo và phát âm cho đúng. Hơn ai hết, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của bé.
Sợ không dám để con ra ngoài chơi
Nhiều bố mẹ lo lắng về việc để con ra ngoài chơi có thể bụi bẩn,ô nhiễm hay bị bắt cóc … Tuy nhiên, việc giữ con ở nhà, không cho bé giao tiếp với thế giới bên ngoài mới chính là điều không hề tốt chút nào.
Khi gặp gỡ những đứa trẻ cùng tuổi, bé sẽ có cơ hội để giao tiếp, điều này khuyến khích bé nói nhiều hơn bình thường. Thật vậy, thực tế nhiều trẻ ở nhà không bao giờ mở miệng nói nửa câu nhưng khi gặp bạn cùng tuổi thì lại nói hoài không ngớt miệng. Điều này giải thích vì sao các bé đi học sớm lại nhanh biết nói hơn các trẻ ở nhà. Các bậc phụ huynh đừng vì sợ con ốm, con ngã mà hãy tạo cơ hội để bé được giao tiếp với môi trường và mọi người xung quanh.
Trên đây là những sai lầm phổ biến của các bậc cha mẹ vì quá yêu con, thương con mà thành ra hại con, khiến con chậm nói. Hãy đọc và rút kinh nghiệm, các mẹ nên tạo cơ hội và khuyến khích bé nói mỗi ngày nhé!
Để lại một bình luận