Triệu chứng chóng mặt đối với phụ nữ mang gần như “chuyện thường ngày ở huyện” nhất là vào 3 tháng đầu thai kỳ khiến mẹ hết sức mệt mỏi. Nguyên nhân và cách xử lý triệu chứng khó ở này nằm trong bài viết này, cùng theo dõi mẹ nhé.
Giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu phải đối mặt với vô vàn thử thách nào là về tâm lý, nào là về sức khỏe do những thay đổi hormone gây ra trong thời gian bầu bí.
Sự thay đổi hormone khi mang thai khiến các mạch máu giãn rộng, hệ thống tim mạch bắt buộc phải hoạt động mạnh mẽ gây nên hiện tượng chóng mặt ở thai phụ. Để có thể xử lý nhanh và kịp thời, mẹ bầu nhất thiết phải tìm hiểu rõ về tình trạng chóng mặt thai kỳ này.
Tình trạng chóng mặt ở mẹ bầu là gì?
Khi mang thai, hệ thống tim mạch và thần kinh liên tục bị điều chỉnh do trạng thái tinh thần và sự thay đổi của hormone trong cơ thể mẹ bầu khiến nhịp tim, tốc độ bơm máu của tim ở mẹ tăng nhanh. Đồng thời, các mạch máu được giãn rộng dưới tác động của hormone làm máu quay trở về tim chậm dẫn đến huyết áp hạ thấp. Chính vì thế mà tình trạng chóng mặt liên tục xảy đến với thai phụ.
Bên cạnh nguyên nhân chính là do sự thay đổi hormone khi mang thai ở các mẹ bầu thì còn nhiều tác nhân khác cũng có thể khiến mẹ gặp phải tình trạng chóng mặt này.
Ăn uống không đủ chất hoặc uống ít nước: Tình trạng hạ đường huyết dễ dàng xảy đến với mẹ bầu nếu trong ngày mẹ uống cực kỳ ít nước hay ăn uống thiếu chất. Để cho cơ thể mất nước chính là mẹ đã tạo điều kiện cho tình trạng chóng mặt dễ xảy đến hơn kéo theo mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu.
Thiếu máu do thiếu chất sắt: Khi mang thai nếu mẹ để cho cơ thể thiếu hụt chất sắt dễ dẫn đến nguy cơ thiếu máu khiến lượng oxy tới não cũng như các cơ quan khác bị giảm. Đổi tư thế quá nhanh: Khi mẹ đang ngồi lại đột ngột đứng lên hoặc ngược lại có thể khiến cơ thể choáng váng và chóng mặt ngay.
Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể cảm thấy chóng mặt khi ho, khi tiểu tiện do tình trạng hạ đường huyết gây ra. Bên cạnh đó, hiện tượng sốc nhiệt gây ra do mẹ bầu làm việc trong môi trường nóng bức cũng có thể khiến mẹ bầu cảm thấy choáng váng. Hay làm việc quá mức, thường xuyên rơi vào tình trạng lo lắng cũng có thể khiến mẹ bầu hoa mắt, chóng mặt.
Mẹo xử lý nhanh khi mẹ bầu bị chóng mặt
Nếu mẹ bầu cảm thấy chóng mặt thì cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sau để kịp thời xử lý trước khi cơn chóng mặt chuyển biến khó lường hơn.
Dừng ngay lập tức công việc đang làm khi mẹ bầu cảm thấy chóng mặt để tránh bị té ngã đặc biệt là những lúc mẹ bầu đang di chuyển trên đường, hay lái xe.
Nằm nghỉ ngơi ngay khi dừng công việc đang làm mẹ bầu nhớ nhé. Mẹ nên nằm nghiêng về bên trái vì đó là tư thế giúp tăng tối đa lưu lượng máu trong cơ thể của mẹ cũng như lượng máu lên não giúp cải thiện tình trạng hoa mắt chóng mặt.
Ngồi xuống khi mẹ không tìm thấy nơi nào khả dĩ có thể nằm. Mẹ cần thiết chú ý ngồi xuống sao cho đầu hạ thấp giữa hai đầu gối để tình trạng chóng mặt gia giảm nhanh chóng.
Cách phòng ngừa chóng mặt hiệu quả cho mẹ bầu
Tránh thay đổi tư thế đột ngột
Việc mẹ bầu đột ngột thay đổi tư thế hay đứng quá lâu khiến cơ thể mẹ không thể điều chỉnh lượng máu kịp thời dẫn đến máu chưa lên kịp não dễ gây tình trạng chóng mặt. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng chóng mặt, mẹ bầu nhất thiết tránh việc đổi tư thế quá đột ngột.
Tránh nằm ngửa
Tử cung của mẹ bầu bắt đầu to lên đáng kể trong những tháng giữa thai kỳ. Khi mẹ nằm ngửa trong lúc ngủ, áp lực tạo ra lên các cơ quan như thận, phổi có thể khiến máu lưu thông chậm, huyết áp giảm và nhịp tim tăng nhanh chóng. Lúc này, mẹ bầu cảm thấy cơn chóng mặt kéo đến. Chính vì thế mà mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái khi ngủ để tránh được tình trạng chóng mặt phiền toái này.
Bổ sung sắt
Một trong những nguyên nhân làm đầu óc mẹ choáng váng là do hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu làm lượng oxy dẫn đến não và các cơ quan khác trong cơ thể mẹ bầu gặp nhiều khó khăn gây nên chóng mặt. Để khắc phục tình trạng chóng mặt này, mẹ bầu nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày các thực phẩm giàu chất sắt hoặc mẹ có thể uống bổ sung viên sắt dưới chỉ định của bác sĩ.
Chia nhỏ bữa ăn
Trong một ngày, khẩu phần ăn của mẹ bầu nên được chia thành nhiều bữa nhỏ, từ 5-6 bữa gồm bữa chính và bữa phụ cũng như cung cấp đủ lượng nước cần thiết là 2,5-3 lít nước/ngày. Mẹ uống nhiều nước và ăn đủ chất dinh dưỡng chính là cách hữu hiệu giúp mẹ cải thiện tình trạng chóng mặt thường xuyên gặp phải này đấy.
Mặc đồ thoải mái và tránh làm việc nặng
Những bộ trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt rất thích hợp cho mẹ bầu vận vào vừa giúp mẹ bầu dễ thở vừa không gây ra tình trạng chóng mặt như khi mẹ chọn đồ quá hầm nóng, chật chội.
Làm việc vừa sức, nhẹ nhàng là cần thiết đối với thai phụ. Khi mẹ giữ cho mình nhịp điệu làm việc chậm rãi thì cơn chóng mặt cũng khó có dịp ghé lại cơ thể mẹ bầu đâu. Nếu mẹ bầu có tập các bài thể dục thể thao thì cần thiết có sự hướng dẫn của chuyên gia để tránh quá sức dễ khiến mẹ chóng mặt.
Là hiện tượng hết sức bình thường xảy ra đối với phụ nữ mang thai nên mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu kèm theo triệu chứng chóng mặt là tình trạng mẹ bị ngất xỉu hoặc đau đầu dữ dội, mắt mờ, líu lưỡi, chảy máu, ngực đập liên hồi, … Những lúc như thế, mẹ cần được đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn thăm khám, mẹ nhé.
Để thai kỳ nhàn tênh, mẹ cần hiểu biết về các triệu chứng thai kỳ thường gặp mà chóng mặt là một trong số đó. Hy vọng bài viết này đã giúp mẹ bầu có thêm kinh nghiệm xử lý triệu chứng chóng mặt phổ biến ở phụ nữ mang thai.
Để lại một bình luận