Trẻ sơ sinh giao tiếp với bố mẹ thông qua ánh mắt, nụ cười, cái quơ tay vào không khí, cái quẫy đạp chân, … hết sức bản năng. Những ông bố bà mẹ luôn mong mỏi hiểu hết được cảm xúc và suy nghĩ của con để từ đó chăm sóc con tốt hơn và giúp con yêu hòa nhập nhanh chóng với thế giới bao la rộng lớn này. Thế thì, trẻ sơ sinh nhìn nhận và cảm nghĩ của bé về mọi thứ xung quanh bé ra sao?
Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với bố mẹ nên thật đau đầu khi muốn tìm hiểu về suy nghĩ và việc bé nhìn nhận thế giới này ra sao. Liệu trẻ sơ sinh có nằm mơ khi ngủ giống người lớn không? Khi bé nhìn bố mẹ, thật ra trong tâm trí bé đang nghĩ điều gì? … Có bao giờ bố mẹ thắc mắc tương tự thế không? Nếu có, hãy cùng theo dõi bài viết bên dưới để tìm lời giải đáp nhé.
Bé cười vì điều gì?
Có bao giờ mẹ thắc mắc: Khi bé cười, liệu bé có thật sự cười hay không? Nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng chỉ trong quá trình giao tiếp với bố mẹ, người thân thì trẻ sơ sinh mới biết cách bày tỏ cảm xúc của mình. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, từ khi trẻ chào đời, khả năng thể hiện 4 cảm xúc cơ bản đã theo bé cưng ngay từ khi ấy. Hạnh phúc được biểu lộ thông qua nụ cười trẻ thơ là một trong 4 cảm xúc cơ bản đầu đời mà bất kỳ đứa trẻ sơ sinh nào cũng có được.
Dù vậy, các nhà khoa học cũng khẳng định chắc nịch một điều rằng, trẻ sơ sinh hoàn toàn không hiểu được những câu nói trêu đùa của bố mẹ hay người khác. Nhiều bố mẹ phát hiện bé cười khi bố mẹ làm mặt xấu chẳng hạn và nghĩ rằng bé cưng có thể hiểu được trò đùa đó, tuy nhiên kết quả nghiên cứu lại chỉ ra điều ngược lại. Nhưng bố mẹ không nên cảm thấy buồn về điều này, thay vào đó hãy tiếp xúc với trẻ sơ sinh nhiều hơn để con yêu quen dần với sự hiện diện của bố mẹ, đó mới là điều quan trọng. Và tất nhiên nụ cười của thiên thần nhỏ bao giờ cũng quý giá với bố mẹ rồi, phải không?
Trẻ sơ sinh có phân biệt được bố, mẹ không?
Câu trả lời là có. Ngay từ 3 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh đã có khả năng phân biệt được khuôn mặt của bố (hay nam giới) và mẹ (nữ giới) trong các tấm hình. Đồng thời, trong trẻ cũng đã bắt đầu hình thành sự gắn bó với một giới tính nhất định. Bố mẹ sẽ thấy bé yêu cực kỳ mến hoặc mẹ hoặc bố trong giai đoạn này. Tất nhiên, đây không phải căn cứ để khẳng định bé thích giới tính nào hơn vì đó là chuyện sau này. Còn ngay những năm tháng đầu đời, bé sẽ bộc lộ tình cảm yêu mến của mình nghiêng về một đối tượng hoặc bố hoặc mẹ – người có sự gần gũi với bé nhiều nhất.
Chính vì vậy, bố mẹ nên dành nhiều thời gian gần gũi với con để bé cảm nhận được tình yêu của cả bố và mẹ.
Bé có biết tên của chính mình không?
Nhiều lần bố mẹ gọi tên bé và bé ngay lập tức quay lại, thế thì bé có biết tên chính mình hay không? Thực ra việc bé quay lại mỗi khi bố mẹ gọi tên đơn thuần là phản xạ của bé với âm thanh chứ không phải việc bé biết bố mẹ đang gọi tên.
Đến khoảng 5-6 tháng tuổi, trẻ mới bắt đầu có khái niệm rõ ràng về việc bố mẹ đang gọi tên mình. Dù trẻ vẫn chưa hiểu nghĩa của hết thảy lời nói bố mẹ nhưng trẻ đã có khả năng phân biệt được những âm khác nhau phát ra từ bố hoặc mẹ.
Bé có mơ thấy ác mộng không?
Ngủ gần như là hoạt động chiếm nhiều thời gian nhất của trẻ sơ sinh. Bé dành đến 50% thời gian chỉ để ngủ. Và trong khoảng thời gian này, trẻ sơ sinh có thể đắm chìm trong những giấc mơ như người lớn vậy tuy nhiên khả năng cao là trẻ sơ sinh không gặp ác mộng đâu bố mẹ nhé. Chỉ đến khi lên 2-3 tuổi, trẻ con mới bắt đầu mơ thấy ác mộng mà thôi.
Thiên thần nhỏ vừa chào đời mang đến trải nghiệm tuyệt vời kỳ lạ cho bố mẹ, nhất là những người lần đầu lên chức. Tìm hiểu về những hành vi của trẻ sơ sinh là cần thiết với những ông bố bà mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm. Hy vọng bài viết đã giải đáp được phần nào những thắc mắc không biết hỏi ai của bố mẹ.
Để lại một bình luận