Hen suyễn ở trẻ em trở nên phổ biến với số lượng cao gấp đôi so với ở người lớn. Thực tế, mẹ bầu có thể phòng tránh căn bệnh này ngay từ khi con còn trong bụng mẹ.
Nghiên cứu khoa học tại các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ
Các nhà khoa học tại đại học Kansas, Viện công nghệ Massachusetts và đại học Harvard (Mỹ) đã đưa ra kết luận rằng: Bà bầu phơi nắng trong thai kỳ sẽ giảm nguy cơ thai nhi khi sinh ra mắc bệnh hen suyễn.
Nghiên cứu được tiến hành trên việc phân tích dữ liệu ở 2 quốc gia vào thời gian sinh em bé và dữ liệu ánh sáng mặt trời mà mẹ bầu đã hấp thụ. Theo như Tiến sỹ David Slusky cho biết: “Chúng tôi không so sánh những nơi đầy nắng với những nơi không có nắng. Chúng tôi nhìn vào sự khác biệt tương đối về mức độ ánh sáng mặt trời tại một địa điểm và thời điểm cụ thể trong năm.”
Theo đó, các nhà nghiên cứu cho biết mẹ bầu nên tập trung phơi nắng vào kỳ tam cá nguyệt thứ 2 sẽ giúp trẻ sau khi sinh giảm bớt nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Tại sao lại là tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ?
Trong giai đoạn thứ 2 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu quá trình phát triển bạch huyết, tuyến mồ hôi, gan và tuyến tuỵ bắt đầu sản xuất chất lỏng. Chính vì vậy, việc phơi nắng của mẹ bầu ở thời điểm này sẽ giúp cung cấp hàm lượng vitamin D tự nhiên tổng hợp từ ánh sáng mặt trời kịp thời cho bé phát triển. Nhờ vậy giảm bớt nguy cơ mắc bệnh hen suyễn khi bé sinh ra đời.
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em sinh ra từ cơ thể mẹ bị thiếu hụt vitamin D thường nhẹ cân, chu vi đầu nhỏ hơn, chiều dài cơ thể ngắn hơn so với trẻ sơ sinh bình thường. Thậm chí nghiên cứu còn cho thấy mẹ bầu bị thiếu vitamin D trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng và kích thước xương đùi cũng như tình trạng nếp gấp da của bé.
Theo đó, kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Kinh tế sức khoẻ Hoa Kỳ cho thấy bà bầu chỉ cần tắm nắng 10 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ hen suyễn cho trẻ mới sinh ra. Thời gian tắm nắng phù hợp và an toàn nhất thường từ 6 – 8 h sáng và sau 4 h chiều.
Để lại một bình luận