Một số mẹ tỏ ra thích thú khi thấy vành tai con có lỗ đỏ, nghĩ là nốt ruồi son, con sẽ sung sướng hạnh phúc cả đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì lỗ đỏ này sẽ gây ra biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Trên diễn đàn hay các trang web, một số bà mẹ truyền tai nhau câu chuyện trẻ em sinh ra có lốt đỏ ở trên vành tai sẽ là dấu hiệu báo trước bé lớn lên hiếu thảo, thông minh, nhanh nhẹn, có số giàu sang. Tuy nhiên, điều này không có bằng chứng khoa học cụ thể chỉ là phỏng đoán của các chị em, bởi thực tế không phải trẻ nào sinh ra cũng có nốt nhỏ này. Thực tế, đây là một dị tật bẩm sinh ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Lỗ nhỏ trên tai vốn là dị tật bẩm sinh
Theo khoa học lỗ này gọi là preauricular sinus hay rò luân nhĩ, thường nằm ở phía vành tai tại điểm nối giữa tai và mặt. Bệnh này được đưa giới thiệu vào năm 1864 bởi nhà khoa học Van Hesinger. Đây là dị tật bẩm sinh thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai. Lỗ nhỏ ở vùng trước vành tai sẽ đi sâu vào bên trong để bám vào màng sụn. Đường rò này là một ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết.
Dị tật này thường rất hiếm gặp, theo thống kê chưa đầy 1 % người châu Âu và châu Mỹ có lỗ này, trong khi người châu Phi chiếm tới 10 %.
Những biến chứng nguy hiểm từ rò luân nhĩ
Thực tế, một số trường hợp nếu không bị nhiễm trùng lỗ rò luân nhĩ thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Nhiều người bị rò luân nhĩ nhưng vẫn sống chung với nó cả đời mà không cần can thiệp y tế.
Tuy nhiên, khi ống rò luân nhĩ này bị viêm nhiễm thì bé sẽ có dấu hiệu như ngứa, sưng, rỉ dịch ở lỗ rò, tiết chất bã đậu trắng đục ở lỗ dò, kèm theo triệu chứng sốt, đau đơn, mưng mủ. Trong trường hợp nhiễm khuẩn tạo thành một ổ áp xe ngay tại lỗ rò hoặc lan sang vị trí khác sau tai thì cần tiến hành phẫu thuật để loại bỏ đường rò này.
Bởi vậy, khi phát hiện ra con bị rò luân nhĩ thì bố mẹ cần lưu ý vệ sinh vùng tai cho bé cẩn thận. Tuyệt đối không được nặn, bóp sẽ gây ra viêm nhiễm nguy hiểm.
Nếu bé đưa tay lên gãi lỗ rò và có những triệu chứng như rỉ dịch nhờn thì bố mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt.
Để lại một bình luận