Hiện nay cả nước đang đến mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, những con số báo động mỗi ngày tại các bệnh viện khiến các bà mẹ không khỏi lo lắng. Một trong những lý do dẫn đến bệnh nặng, tử vong là sự chủ quan, lơ là trong việc theo dõi phát hiện bệnh giai đoạn sớm, dẫn đến nhập viện trễ. Mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong việc nhận biết bệnh sốt xuất huyết.
Theo thống kê mỗi ngày Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) điều trị nội trú khoảng trên 100 bệnh nhi, trong khi những tháng đầu năm trung bình khoảng 30 ca. Có 13 trường hợp diễn tiến nặng, sốc phải điều trị hồi sức tích cực và áp dụng các biện pháp chống sốc tích cực bằng truyền dịch, điện giải hoặc các dung dịch cao phân tử. Trường hợp quá nặng phải hỗ trợ truyền máu, huyết tương, tiểu cầu kết tủa lạnh, thậm chí phải hỗ trợ bằng thở máy.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự Phòng Hà Nội cho biết, trong 7 tháng đầu năm thành phố có gần 700 ca mắc sốt xuất huyết; rải rác tại 29 quận, huyện. Hiện thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho muỗi phát triển, vì vậy số ca bệnh có chiều hướng gia tăng. Tháng 6 có 168 ca thì tháng 7 tăng vọt lên 357 bệnh nhân; trong khi tháng 3, 4 chỉ có 15 trường hợp; tháng 2 chỉ có 1 ca. Bệnh chủ yếu ở người lớn, trẻ dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%.
Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, phần lớn tự khỏi. Tuy nhiên, khoảng 1/4 số bệnh nhân có biến chứng sốc, xuất huyết tiêu hoá. Tỷ lệ tử vong ở những người bị biến chứng sốc là 2-3%.
- Những dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết
– Dấu hiệu đầu tiên là trẻ bị sốt trong 7 ngày trở lại. Trẻ không ho, không sổ mũi, không tiêu chảy. Trẻ thường sốt cao, lừ đừ, mệt mỏi như cảm thông thường. Lưu ý với sốt xuất huyết, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhiệt nhưng sau đó nóng trở lại sau một thời gian ngắn.
– Trên người nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Các nốt này tròn, nhỏ như vết muỗi cắn nhưng khác ở chỗ khi căng ra những điểm này không biến mất và khi dùng tay sờ lên thấy vùng da xuất huyết hoàn toàn phẳng mịn bình thường không nổi sần lên như các dạng phát ban khác.
– Ngoài ra dấu hiệu xuất huyết xuất hiện rõ và tiến triển nặng như chảy máu răng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen…
– Nặng hơn trẻ có thể bị truỵ tim mạch (sốc): tay chân lạnh, người lừ đừ, kêu mệt. Triệu chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm của đợt sốt.
2. Lưu ý quan trọng
Sốt xuất huyết là bệnh tiến triển nhanh, biến chứng nặng. Hơn nữa những triệu chứng của sốt xuất huyết ban đầu thường dễ nhầm lẫn các bệnh hô hấp khác như nhiễm siêu vi, viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, tay chân miệng… Trong giai đoạn đầu của bệnh rất khó chẩn đoán, nhất là 1-3 ngày đầu. Sốc sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 4-6. Người bệnh thay vì giảm sốt, khỏe hơn thì có dấu hiệu nặng như lừ đừ, bứt rứt, vật vã, đau bụng, buồn nôn, nôn ói.
Một điểm quan trọng nữa là việc truyền dịch ở giai đoạn sớm rất nguy hiểm vì bệnh nhân chưa phải giai đoạn thất thoát huyết tương, cô đặc máu. Do đó dịch truyền đưa vào cơ thể đến giai đoạn sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ thất thoát ra ngoài, cơ thể người bệnh phù nề, dễ suy hô hấp, khó thở rất nguy hiểm. Sốt xuất huyết ban đầu theo dõi chủ yếu là hạ sốt, bù dịch bằng đường uống. Trong trường hợp ói mửa nhiều, không ăn uống phải điều trị tại cơ sở y tế để phát hiện sớm biến chứng chứ không được tự ý điều trị tại nhà.
Chính vì vậy trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát như vậy nếu mẹ thấy bé có dấu hiệu sốt cao liên tục không hạ không nên tự ý điều trị tại nhà mà hãy đưa bé tới ngay các có sở y tế để được điều trị kịp thời.
Từ khóa được tìm kiếm:
- bà bầu bị sốt xuất huyết phai lam sAo cac me oi
- các giai đoạn sốt xuất huyết
- dau hieu sot xuat huyet o ba bau
- nốt xuất huyết nhỏ ở chân trẻ sơ sinh
- sốt ngày thứ 4 không giảm
- sốt xuất huyết và bà bầu
Để lại một bình luận