Những tháng mang thai đầu tiên, vô số yếu tố bên ngoài tác động dễ dàng đến thai nhi khi đó vẫn chưa định hình rõ rệt. Cẩn trọng để hạn chế nguy cơ sảy thai là điều mà bất kỳ thai phụ nào cũng nên làm.
Muốn hạn chế được hiện tượng sảy thai, trước hết mẹ bầu cần tìm hiểu về những nguyên nhân phổ biến gây ra nguy cơ này.
Nhiễm sắc thể bất thường
Thai kỳ thường chấm dứt sớm khi có hiện tượng trứng hoặc tinh trùng bị lỗi dẫn đến việc nhiễm sắc thể không thể khớp được với nhau gây nên. Dù phôi thai được thụ tinh nhưng do những điểm bất thường về nhiễm sắc thể nên sảy thai là điều tất yếu.
Cơ hội mang thai lần thứ hai của mẹ bầu sau lần đầu sảy thai là có nhưng nếu mẹ bầu tiếp tục bị sảy thai ở lần kế tiếp thì nên đến ngay cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cần thiết.
Khi kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm sắc thể của mẹ bầu hoàn toàn bình thường thì mẹ đừng quá lo lắng vì bác sĩ sẽ tư vấn các nguyên nhân khác gây nên tình trạng sảy thai để mẹ có thể phòng ngừa từ sớm và mang thai an toàn vào lần sau.
Tử cung hoặc cổ tử cung có vấn đề
Khi mẹ bầu mắc phải các dị tật bẩm sinh ở tử cung hoặc cổ tử cung thì nguy cơ sảy thai là rất cao.
Vấn đề ở tử cung khiến thai phụ dễ sảy thai là các hiện tượng tử cung có vách ngăn, dính tử cung. Chính các dị tật bẩm sinh này ở tử cung khiến phôi thai không cách nào làm tổ được trên thành tử cung của mẹ bầu.
Hoặc nếu may mắn làm tổ được trên thành tử cung thì khả năng cao là dinh dưỡng không đến được phôi thai, gây ra tình trạng phôi không hấp thụ đủ dưỡng chất tồn tại và kết cục là sảy thai.
Vấn đề ở cổ tử cung mà các mẹ vẫn thường hay nghe nhắc đến đó là suy cổ tử cung. Thuật ngữ này dùng để chỉ cổ tử cung ngắn hoặc yếu một cách bất thường. Chính vì cổ tử cung yếu và ngắn như thế nên nó không đủ sức giữ thai nhi lại bên trong tử cung và gây sảy thai.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, mẹ bầu gặp các vấn đề về tử cung hoặc cổ tử cung có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tử cung và cổ tử cung cho mẹ và tiến hành những phương pháp chưa trị tùy vào dị tật mẹ mắc phải.
Tiền sử sảy thai
Rất nhiều trường hợp khi mẹ đã sảy thai lần hai thì sẽ lại có nguy cơ sảy thai ở những lần tiếp sau đó. Điều này không phải là không có cách khắc phục. Khi đã từng sảy thai hai lần, mẹ cần thiết phải lên kế hoạch nghỉ ngơi thư giãn để lần mang thai kế đến an toàn, tránh tình huống xấu lặp lại.
Về khoảng thời gian lý tưởng để có em bé lại nên là từ 6 tháng đến 1 năm. Bởi, mẹ cần cho cơ quan sinh sản phục hồi hoàn toàn mới nên có thai. Và 6 tháng đến 1 năm là khoảng thời gian cần và đủ để lần mang thai sau an toàn hơn, tránh được nguy cơ sảy thai liên tiếp.
Bên cạnh một chế độ luyện tập nhẹ nhàng, đảm bảo cơ thể có sự vận động hợp lý thì mẹ nên ngưng tất cả các công việc dùng sức, lao động nặng, mẹ cần tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi hơn là tham công tiếc việc.
Chế độ dinh dưỡng cũng cần thiết phải lưu tâm nếu mẹ đã từng sảy thai trước đó. Bổ sung các vi chất như sắt, canxi, B6, magie … dồi dào để ngăn ngừa sảy thai. Đồng thời với chế độ ăn uống lành mạnh, nạp đầy đủ vi chất cần thiết thì mẹ cần giữ một tinh thần lạc quan, thoải mái.
Độ tuổi
Với những thai phụ trên 35 tuổi nguy cơ sảy thai là 15%, với thai phụ trong độ tuổi từ 35-45 nguy cơ này tăng lên đến con số đáng sợ là 20-35%. Và với những thai phụ tuổi trên 45 thì con số này còn khủng khiếp hơn nhiều. Điều này cho thấy rằng tuổi tác liên quan mật thiết đến mức độ sảy thai. Tuổi mang thai càng cao thì nguy cơ sảy thai càng lớn.
Ngoài nguy cơ sảy thai cao, mẹ bầu trên 35 tuổi còn đồi mặt với các hệ lụy khác như trẻ mắc dị tật bẩm sinh, hội chứng Down và nhiều khuyết tật khác.
Độ tuổi lý tưởng để có con nên là trong khoảng từ 22-29 tuổi. Nếu có con trên 35 tuổi, mẹ nhất định phải khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của bé, ăn uống hay luyện tập cũng cần thiết phải lưu tâm nhiều hơn.
Bệnh lây nhiễm
Khi mẹ mắc phải các bệnh lây nhiễm như quai bị, rubella, sởi, lậu, HIV/AIDS, nhiễm listeria, … thì nguy cơ sảy thai là điều khó tránh khỏi.
Để ngăn ngừa tình trạng sảy thai, mẹ nên khám sức khỏe trước khi có thai để có thể phòng tránh bằng cách chích ngừa cho một số căn bệnh lây nhiễm như cúm,sởi, rubella, … 3 tháng trước khi mang thai.
Chuẩn bị một sức khỏe tốt trước khi mang thai là điều vô cùng cần thiết để ngăn ngừa tình trạng sảy thai.
Hút thuốc, uống rượu
Thói quen hút thuốc, uống rượu nguy hại cho thai nhi là điều mà bất kỳ thai phụ nào cũng nên biết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sảy thai mà mẹ bầu không được lơ là.
Dù hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây nguy cơ sảy thai như thường. Hàng ngàn hóa chất độc hại có trong khói thuốc như cadmium, benzene, chì, … có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai.
Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc khi mang thai, tránh càng xa khói thuốc lá khi mang thai càng tốt. Đó là những điều mà mẹ bầu nên thực hiện đúng để có thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Bệnh mãn tính hay rối loạn
Một vài căn bệnh mãn tính hay rối loạn cũng góp phần gây ra hiện tượng sảy thai như bệnh tiểu đường, rối loạn đông máu di truyền, rối loạn miễn dịch, rối loạn nội tiết tố, …
Để phòng ngừa nguy cơ sảy thai do các căn bệnh mãn tính, mẹ bầu nên ăn uống theo chế độ giảm calorie, carbonhydrate. Đồng thời với chế độ ăn lành mạnh là chế độ tập luyện hợp lý cũng như thăm khám thường xuyên để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng thiếu hụt axit folic hay sắt cũng là nguyên nhân gây sảy thai phổ biến. Mẹ mang thai ăn các thực phẩm không có lợi như đủ đủ xanh, gan động vật, nha đam, lá ngải cứu, … đều có thể gây sảy thai.
Uống bổ sung viên thuốc sắt, axit folic khi mang thai là điều vô cùng cần thiết để thai nhi khỏe mạnh, cứng cáp ngăn ngừa nguy cơ sảy thai.
Tùy tiện dùng thuốc
Khi mang thai, việc uống thuốc đều phải có sự chỉ định của bác sĩ vì có những thành phần làm sảy thai mà mẹ không lường hết được. Chính vì thế nên khi điều trị bất kỳ bệnh nào, mẹ nên thông báo với bác sĩ về tình hình mang thai để bác sĩ điều chỉnh thuốc an toàn cho sức khỏe mẹ và bé.
Dù là các loại thuốc bổ, vitamin thì mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ. Vì thể trạng, sức khỏe của từng mẹ bầu là khác nhau nên liều lượng vitamin cần nạp vào cơ thể cũng không giống nhau được.
Sang chấn
Đôi khi, sảy thai đến từ các sang chấn mà mẹ không thể lường trước được như tai nạn, vận động mạnh, đi nhiều, leo cầu thang, mang vác, … Mẹ cần nghỉ ngơi nhiều tránh vận động mạnh khi mang thai. Mọi di chuyển cần nhẹ nhàng, từ tốn để tránh các va chạm không mong muốn.
Hoàn toàn có thể ngăn ngừa nguy cơ sảy thai nếu mẹ biết rõ nguyên nhân từ đó có cách khắc phục phù hợp, kịp thời.
Để lại một bình luận