Để xác định sự phát triển của thai nhi như thế nào trong từng thời điểm, các bác sĩ thường dựa vào chuẩn cân nặng thai nhi. Qua đó, mẹ bầu sẽ được các chuyên gia gợi ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập nhằm hỗ trợ bé cưng trong bụng phát triển một cách toàn diện nhất.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi
Cân nặng của thai nhi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, cụ thể:
-Mẹ mang song thai, đa thai khiến cân nặng của từng bé thấp hơn so với mẹ mang đơn thai thông thường.
-Khoảng cách giữa hai lần sinh con quá gần nhau cũng có thể khiến bé thứ hai nhẹ cân hơn so với bé đầu.
-Mức tăng cân của mẹ quá thấp khiến trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng là điều hết sức hiển nhiên. Ngược lại, mẹ tăng cân vượt mức thai nhi quá to có thể dẫn đến việc mẹ phải sinh mổ.
-Do yếu tố di truyền.
-Mẹ bầu gặp các vấn đề về sức khỏe như béo phì, tiểu đường thai kỳ cũng có nguy cơ sinh con nặng cân hơn.
-Do vóc dáng của mẹ.
Thai nhi phát triển hơn so với tuổi thai
Thai nhi phát triển hơn so với tuổi thai là trường hợp chiều dài của thai nhi đo được dài hơn chuẩn bình thường khoảng 3cm. Điều này có nghĩa là thai nhi đang có sự phát triển vượt bậc kích thước lớn hơn so với tuổi thai.
Khi thai quá lớn, mẹ bầu buộc phải sinh mổ để lấy con ra, chính vì thế mà khi khám thai định kỳ, các bác sĩ sẽ phải siêu âm, đi tìm nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý giúp mẹ bầu.
Kích thước thai lớn hơn so với tuổi thai cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe cho bé về sau như nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về đường tiêu hóa, …
Thai nhi phát triển kém so với tuổi thai
Ngược lại với trường hợp trên, khi thai nhi phát triển kém so với tuổi thai tức là chiều dài ngắn hơn thông thường khoảng 3 cm thì bác sĩ cũng sẽ phải tiến hành những xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân cũng như đề xuất hướng xử lý giúp mẹ bầu.
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thai nhi phát triển kém so với tuổi thai là: chế độ dinh dưỡng không lành mạnh của mẹ, chức năng nhau thai không tốt dẫn đến việc vận chuyển chất dinh dưỡng cho thai nhi kém, vấn đề về dây rốn, tinh thần của mẹ đang gặp khủng hoảng, … Việc xác định nguyên nhân là rất quan trọng để cải thiện tình hình, giúp thai nhi phát triển toàn diện.
Cân nặng của mẹ và sức khỏe của bé
Mối liên quan mật thiết giữa cân nặng của mẹ và sức khỏe của bé dễ dàng đo được. Nếu mẹ tăng cân quá ít trong suốt thai kỳ, thai nhi có thể thiếu dưỡng chất quan trọng cần cho sự phát triển kéo theo hệ lụy là khả năng sinh non cao. Nhưng ngược lại nếu mẹ tăng cân vượt mức thì khả năng sinh mổ sẽ cao, nguy cơ tiểu đường thai kỳ cũng không hề nhỏ.
Với những mẹ có cân nặng, sức khỏe tốt thì mức tăng cân lý tưởng trong suốt thai kỳ nên từ 10-12 kg. Trong khi đó, những mẹ mang song thai nên tăng từ 16-20 kg để đảm bảo hai bé trong bụng nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Trường hợp mẹ thấp bé nhẹ cân trong 3 tháng đầu nên tăng thêm 2,5 kg, ngược lại mẹ thừa cân thì không nên tăng quá nhiều, chỉ cần tăng khoảng 1 kg là hợp lý. Tóm lại, tùy từng thể trạng mẹ bầu mà mức tăng cân không giống nhau, có người phải tăng nhiều nhưng có người chỉ cần tăng rất ít là được. Mẹ cần có sự hướng dẫn, tư vấn của các chuyên gia để có mức tăng cân hợp lý.
Mẹ bầu cần thiết quan tâm đến mức cân nặng chuẩn của thai nhi để từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập của mình sao cho hợp lý đảm bảo hỗ trợ bé yêu phát triển toàn diện trong suốt hành trình mang thai của mình.
Để lại một bình luận