Không như nhiều thai phụ may mắn chỉ ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên, khá đông mẹ bầu bị nghén nặng kéo dài đến cuối thai kỳ tận khi sinh em bé. Giảm nghén là việc làm cần thiết tuy nhiên ở 3 tháng cuối, mẹ cần cẩn trọng nhiều hơn bởi đây là giai đoạn không thể để xảy ra bất kỳ sơ suất nào.
Có không ít mẹ mang thai phải chịu đựng cơn ốm nghén hành hạ dai dẳng suốt thời kỳ bầu bí. Giảm nghén trở thành việc mà mẹ bầu hết sức lưu tâm ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ đến tận khi sinh em bé. Giảm nghén 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối đều cần nhiều sự kỹ lưỡng của mẹ bầu để không gây hại cho thai nhi.
Có đến 10% mẹ mang thai ốm nghén đến khi sinh bé. Khi thực hiện các biện pháp giảm nghén 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu cần cẩn trọng bởi nhiều biến chứng do ốm nghén có thể gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ của mẹ.
Nghén nặng cuối thai kỳ
Rất khó chịu khi sắp lâm bồn rồi mà mẹ vẫn nôn mửa nhiều như tam cá nguyệt đầu. Những triệu chứng đi kèm với nghén nặng cuối thai kỳ là tình trạng cao huyết áp, phù nề chân hay toàn thân, protein niệu. Thuật ngữ y khoa gọi đây là nhiễm độc thai nghén.
Nhiễm độc thai nghén có thể phát sinh ở tam cá nguyệt đầu hoặc cuối. Khi mẹ bầu nhiễm chứng bệnh này thì nguy cơ sảy thai, sinh non, tiền sản giật, sản giật và trẻ sơ dinh bị ngạt là rất cao. Thậm chí có trường hợp tính mạng của mẹ và bé bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhiễm độc thai nghén dễ xảy ra ở các đối tượng mẹ bầu:
-Mẹ mang thai lần đầu tiên hoặc mẹ mang thai dưới 18 tuổi.
-Mẹ mang song thai hoặc mẹ mang thai trên 40 tuổi.
-Mẹ bị bệnh thận hay bị tăng huyết áp trước khi mang thai.
-Mẹ bị cao huyết áp hay bị béo phì.
Dấu hiệu đặc trưng của nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối
Thông thường, với những mẹ mang thai bị nhiễm độc thai nghén ở vào 3 tháng cuối của thai kỳ, cơ thể sẽ phát những lệnh cảnh báo. Cụ thể:
-Phù nề: Vào tam cá nguyệt cuối mẹ bầu thường bị phù nề tuy nhiên khi nghỉ ngơi thì tình trạng sưng phù sẽ giảm bớt. Nếu tình trạng không thuyên giảm thì mẹ đã bị nhiễm độc thai nghén.
-Huyết áp tăng: Huyết áp tối đa và tối thiểu của những thai phụ nhiễm độc thai nghén sẽ cao hơn. Trong đó, huyết áp tối đa của mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén sẽ tăng lên khoảng 30 mmHg còn huyết áp tối thiểu cũng tăng thêm khoảng 15 mmHg so với trước khi mang thai.
-Tăng cân vùn vụt: Hiện tượng giữ nước khiến cân nặng cơ thể mẹ tăng lên khoảng 500 gr/ tuần. Khi đó, mẹ cần làm xét nghiệm đạm niệu để bác sĩ có căn cứ chính xác việc mẹ có nhiễm độc thai nghén hay không. Nồng độ đạm niệu > 0,3 gram/ lít thì nguy cơ mẹ nhiễm độc thai nghén cao.
Điều trị giảm nghén 3 tháng cuối cần chú ý điều gì?
Nhiễm độc thai nghén dù là 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối đều gây những biến chứng khôn lường cho sức khỏe cũng như tính mạng của mẹ và bé. Chính vì thế, mẹ bầu nếu phát hiện những dấu hiệu trên cần thiết đến bác sĩ thăm khám ngay để được chuẩn đoán chính xác. Khi phát hiện sớm nhiễm độc thai nghén, các biện pháp ngăn chặn được áp dụng kịp thời sẽ giúp mẹ bầu trong việc giữ cho thai nhi phát triển bình thường.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, điều trị giảm nghén hữu hiệu nhất là mẹ nên nghỉ ngơi nhiều. Mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa về việc dùng thuốc như thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp. Được phép điều trị tại nhà nếu bệnh không quá nặng.
Mẹ bị nhiễm độc thai nghén không nên uống nhiều nước, lượng nước lý tưởng là từ 1,5-2 lít. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng giàu đạm là cần thiết để giảm hiện tượng phù nề cũng như tăng protid máu.
Nhiễm độc thai nghén sẽ không là nỗi lo nếu mẹ có sự chuẩn bị sớm kiến thức cũng như kinh nghiệm. Khám thai đầy đủ theo lịch để sớm phát hiện và điều trị dứt điểm chứng bệnh này ngay từ khi mới manh nha, mẹ nhé.
Để lại một bình luận