Một số bà mẹ cảm giác kiệt sức hay phát điên với việc nuôi con đầu lòng. Hãy thử học và làm theo những bí quyết sau, bạn có thể chăm con nhưng vẫn có thời gian dành cho bản thân.
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhiều bà mẹ có con nhỏ nhưng vẫn dành thời gian rảnh đi cafe, làm đẹp trong khi bạn phải đầu tắt mặt tối cả ngày với núi công việc lặt vặt không tên chưa? Nếu bạn đang băn khoăn tìm câu trả lời, dưới đây sẽ là những bí quyết giúp bạn nuôi con nhưng vẫn nhàn tênh.
1. Trẻ khóc là chuyện bình thường
Nhiều bà mẹ mới nuôi con lần đầu thường tỏ ra sốt sắng, lo lắng khi thấy bé khóc. Thật ra trẻ con khóc là chuyện bình thường. Với trẻ sơ sinh cho đến 3-4 tháng tuổi, khóc được xem như một phương thức giao tiếp của bé. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ dưới 6 tháng đã nhận biết rằng chỉ cần bé khóc lập tức sẽ có người dỗ dành nên nhiều trẻ khóc to để được cha mẹ bồng bế, rong rẩy. Chính vì điều này, bạn hãy làm quen dần với việc trẻ khóc nhưng cũng đừng vì thế mà bỏ mặc con khóc lâu một mình.
2. Tập cho bé ngủ riêng
Ở phương Tây, trẻ em được ngủ riêng ngay từ khi còn nằm trong nôi. Ngủ riêng không chỉ giúp bé có giấc ngủ ngon hơn mà còn tạo cho bé thói quen tự lập ngay từ nhỏ. Khi trẻ có không gian riêng rành cho mình, bé sẽ có cơ hội thử những thứ mình thích, phát triển sự sáng tạo, thể hiện bản thân, thậm chí việc áp dụng thời gian biểu ăn ngủ đúng giờ dành cho bé cũng dễ dàng hơn nhiều.
3. Hạn chế bế ẵm bé
Các bà mẹ có thể giảm thiểu việc bồng bế con hàng ngày bởi điều này được cho là không cần thiết. Nhiều trẻ nhỏ dần có thói quen thích được bồng bế nên dễ quấy khóc khi bị người lớn bỏ chơi một mình. Bạn hãy thử kiếm một chiếc xe đẩy cho bé ngồi vào trong để tranh thủ thời gian làm việc nhà. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian trông bé và các mẹ có thể làm các công việc nấu nướng, dọn dẹp khác. Không những vậy, với chiếc xe đẩy bạn có thể cùng bé đi dạo, siêu thị và làm nhiều việc khác hữu ích hơn thay tạo cho trẻ thói quen được bế ẵm suốt ngày.
4. Tập cho bé thói quen tự giác
Khi bé từ 4-5 tuổi, bạn hãy tập cho bé những thói quen tự giác như : đi ngủ, ăn uống, thức dạy đúng giờ, đánh răng vào buổi sáng … Một khi bố mẹ tạo cho con những thói quen này, bé sẽ tự giác làm theo mà không cần đến sự đôn đốc, thúc giục nhờ vậy mà các bà mẹ có thể tiết kiệm được thời gian để làm những việc khác. Tuy nhiên, ban đầu việc rèn luyện cho con có thói quen tự giác này không hề dễ dàng chút nào, các mẹ cần thật sự kiên trì đồng thời thường xuyên khen ngợi con mỗi khi bé tự làm điều gì đó mà không cần đến sự nhắc nhở của bố mẹ. Chính nhờ sự khích lệ này, bé sẽ thích thú tự giác làm mọi việc.
5. Nghiêm khắc với con
Bậc cha mẹ nào cũng muốn dành hết tình yêu thương cho những đứa con của mình, tuy nhiên, điều này cần phải được thể hiện đúng cách. Chuyện một đứa trẻ hờn dỗi đòi hỏi thứ này thứ khác là điều bình thường, bạn không nên chiều theo mọi ý thích của trẻ, như vậy đồng nghĩa với việc tạo ra thói quen xấu cho bé. Thường xuyên nuông chiều con sẽ khiến cho bạn bận rộn với những yêu cầu và đòi hỏi của bé mặc dù có thể bạn không hề nhận thấy điều này. Các mẹ nên dạy bé biết điều gì con có thể yêu cầu, điều gì không được làm. Bạn hãy giải thích cho con hiểu lý do tại sao để bé không nghĩ rằng đó là vì bố mẹ không yêu thương mình.
Đây là những bí quyết cơ bản để việc nuôi con trở nên nhàn hạ hơn nhiều. Các mẹ có thể tham khảo và làm theo, đặc biệt là những bà mẹ đang bỡ ngỡ vất vả trong thời gian nuôi con đầu lòng.
Để lại một bình luận