Trứng vịt lộn vốn là món khoái khẩu của nhiều người và là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để tẩm bổ cho người suy nhược, người già. Tuy nhiên với bà bầu, việc ăn trứng vịt lộn cần lưu ý những điều sau …
Ăn một quả trứng vịt lộn tương đương khoảng 182kcal năng lượng cung cấp cho bà bầu, kèm theo 13,6 g protein, 12,4 g lipit, 82 mg canxi, 212 mg phốt pho và 600 mg cholesterol … Ngoài ra, trong trứng vịt lộn cũng chứa một vài loại vitamin A, B, C tốt cho sức khỏe và hàm lượng sắt trong món ăn này rất tốt cho sức khỏe bà bầu và thai nhi. Điều này chứng tỏ rằng trứng vịt lộn không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng cho người già, suy nhược mà còn tốt cho phụ nữ mang thai bởi lượng chất dinh dưỡng phong phú món ăn cung cấp. Tuy nhiên, chính bởi lượng dinh dưỡng dồi dào chứa trong trứng vịt lộn mà bà bầu cần phải lưu ý và tránh những quan điểm sai lầm truyền tai về việc ăn món ăn này. Sau đây là một vài thông tin nhằm giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về việc ăn trứng vịt lộn khi mang bầu:
Những quan điểm sai lầm về ăn trứng vịt lộn ở bà bầu
- Ăn trứng vịt lộn sinh con nhiều tóc: Đây là một trong những quan điểm truyền tai của các bà bầu khi mang thai. Hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học chứng minh điều này. Bởi số lượng tóc của thai nhi được quy định bởi gen từ cha mẹ và hàm lượng canxi khi mẹ bầu ăn trong suốt thời gian mang thai. Chính vì vậy điều này là hoàn toàn vô căn cứ.
- Ăn trứng vịt lộn sinh con dễ bị hen: Thực tế việc ăn trứng vịt lộn khi mang thai và mắc bênh hen ở thai nhi hoàn toàn không có sự liên quan nào đến nhau.
- Muốn sinh con chân dài thì nên ăn trứng vịt lộn: Không thể phủ nhận rằng trứng vịt lộn cung cấp một lượng canxi cho thai nhi suốt quá trình phát triển trong bụng mẹ. Tuy nhiên việc ăn món ăn này để sinh con chân dài thì hoàn toàn vô lý. Bởi sự phát triển xương của trẻ là cả một quá trình từ khi trong bụng mẹ và đặc biệt quan trọng trong quá trình tập luyện của con tại giai đoạn dậy thì. Chính vì vậy, mẹ bầu đừng nghe những lời đồn thổi mà cố gắng ăn trứng vịt để mong con chân dài nhé!
Lưu ý cho bà bầu khi ăn trứng vịt lộn
- Ăn trứng ở thời điểm nào thì phù hợp? Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bà bầu không nên ăn trứng vịt lộn vào thời điểm đầu và cuối thai kỳ vì thời gian này, mẹ bầu không cần đến nguồn năng lượng lớn trong trứng vịt lộn như vậy .
- Bà bầu ăn trứng vịt lộn bao nhiêu thì đủ? Do chứa hàm lượng dinh dưỡng lớn trong mỗi quả trứng vịt lộn nên khi ăn quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu. Bà bầu nên ăn nhiều nhất 2 quả / tuần.
- Không nên ăn kèm rau răm, gừng và hạn chế gia vị khi ăn trứng vịt lộn: Bà bầu nên nhớ rau răm có thể gây sảy thai, gừng dễ bị lạnh bụng. Đặc biệt phụ nữ mang thai nên hạn chế đồ ăn nhiều muối, nên chú ý đừng ăn trứng mặn quá nhé!
- Nên ăn trứng vịt vào buổi sáng bởi trong món ăn này có chứa nhiều đạm rất khó tiêu. Vì vậy bà bầu không nên ăn trứng vào chiều hoặc đêm bởi sẽ gây tức bụng, khó ngủ đặc biệt khi bụng bầu ngày càng to cảm giác sẽ vô cùng khó chịu.
- Với bà bầu có triệu chứng mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thừa cân thì nên hạn chế ăn trứng vịt lộn. Bởi một quả trứng vịt lộn cung cấp khá nhiều dinh dưỡng và cholesterol gây tác động xấu cho sức khỏe của mẹ bầu mắc những bệnh trên.
Để lại một bình luận