Không giống như những đứa trẻ chào đời khi đã đủ ngày đủ tháng, em bé sinh non thường chưa phát triển một cách hoàn chỉnh cả về khía cạnh thể chất lẫn tinh thần. Một chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho em bé sinh non là hết sức cần thiết.
Nguy cơ sinh non luôn là mối bận tâm hàng đầu của những mẹ bầu bước vào giai đoạn tam cá nguyệt cuối cùng. Làm thế nào để hạn chế nguy cơ sinh non là câu hỏi mà nhiều mẹ bầu thắc mắc. Bài viết này sẽ giải đáp vấn đề này giúp mẹ.
Thế nào gọi là sinh non?
Khi em bé chào đời vào trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì khi đó gọi là sinh non. Bởi theo lẽ thường, mẹ bầu khỏe mạnh sẽ sinh em bé vào tuần 40 của thai kỳ, có thể sớm hoặc chậm hơn một, hai ngày.
Khác hẳn các em bé chào đời đủ ngày đủ tháng, em bé sinh non chắc chắn chưa phát triển hoàn chỉnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Những ảnh hưởng của việc sinh non với em bé dễ nhận thấy nhất đó là em bé nhẹ cân, suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch của bé quá yếu ớt, khả năng hấp thu kém, hệ tiêu hóa hoạt động cũng kém, … Chưa dừng lại ở đó, sinh non còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé khi chào đời như mắc bệnh tim bẩm sinh, võng mạc, bệnh dạ dày, rối loạn hành vi sau này khi bé lớn lên, …
Sinh non do đâu?
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sinh non có rất nhiều, có những trường hợp có lí do cụ thể nhưng cũng có nhiều trường hợp thai phụ sinh non nhưng không xác định rõ nguyên nhân.
Một số yếu tố có thể khiến thai phụ sinh non như:
-Do mẹ bị vỡ ối non, mẹ mang đa thai, đa ối hay thai bị dị dạng.
-Do mẹ bị cao huyết áp, tử cung bị dị dạng, tiền căn sanh non, hút thuốc lá, uống rượu, lao động tay chân nặng nhọc, ăn uống không đủ chất, hoặc viêm đài bể thận, …
-Do nhau tiền đạo, thiểu năng nhau hay nhau bong non.
Những dấu hiệu sinh non
Sinh non không phải là hiện tượng hiếm gặp. Chính vì thế mà mẹ bầu không được lơ là chủ quan mà cần thiết phải theo dõi các dấu hiệu nhỏ nhất để phát hiện sớm và đến cơ sở y tế gần nhất tránh các biến chứng nguy hiểm hơn có thể xảy ra.
Dưới đây là các dấu hiệu của sinh non mà mẹ bầu không thể bỏ qua.
-Những cơn co thắt ở vùng bụng và xương chậu xuất hiện ngày một thường xuyên hơn.
-Âm đạo ra máu, nhớt màu hồng, dịch nhầy cổ tử cung hay nước ối rò rỉ.
-Đau vùng thắt lưng, đau lưng hay tiêu chảy.
Mẹ nên làm gì khi có dấu hiệu dọa sinh non?
Đến ngay cơ sở y tế là điều mẹ bầu nên làm khi phát hiện thấy các dấu hiệu dọa sinh non vừa đề cập bên trên. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi và tiến hành điều trị phù hợp. Mẹ cần nghỉ ngơi hoàn toàn, thực hiện đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ để chóng khỏe lại, mẹ nhớ.
Làm gì để giảm nguy cơ sinh non?
Nếu trong suốt thời gian mang thai, mẹ bầu chịu khó chăm sóc sức khỏe thì có thể giảm thiểu được nguy cơ sinh con. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần ghi nhớ các điều sau đây trong việc phòng ngừa nguy cơ sinh non.
-Khám thai định kỳ, khi có dấu hiệu bất thường nên báo ngay cho bác sĩ.
-Ăn uống đủ nhóm chất.
-Nếu mẹ mắc các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp cần thông báo cho bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
-Tránh làm các công việc lao động nặng nhọc khi mang thai, thay vào đó là nghỉ ngơi để giữ tâm trạng thoải mái nhất.
-Không uống rượu, bia hay hút thuốc lá.
-Tránh tùy tiện dùng thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ.
Chăm sóc em bé sinh non
Cần nhiều thời gian và công sức để chăm sóc em bé sinh non hơn so với trẻ chào đời đủ ngày đủ tháng bởi em bé sinh non vẫn chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.
Thông thường, em bé sinh non sẽ được giữ lại ở bệnh viện để các bác sĩ thuận tiện trong việc theo dõi, chăm sóc với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Cho em bé sinh non bú sữa mẹ là điều nên làm kết hợp chế độ dưỡng chất đặc biệt. Sau khi xuất viện, dù tình hình sức khỏe của em bé đã bước đầu ổn định nhưng mẹ cũng cần ghi nhớ những chỉ dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc, nuôi dưỡng em bé để làm cho đúng.
Sinh non không còn là trường hợp hiếm gặp nên mẹ không thể lơ là. Ngay từ khi bước vào tam cá nguyệt cuối mẹ cần quan tâm đến các dấu hiệu dù là nhỏ nhất của cơ thể để sớm phát hiện xử lý kịp thời nếu có nguy cơ sinh non.
Đừng quên việc nghỉ ngơi, giữa tinh thần thoải mái, tránh stress cùng chế độ ăn uống lành mạnh hợp lý để giảm nguy cơ sinh non, mẹ nhé.
Để lại một bình luận