Là một dấu hiệu lành mạnh khi mang thai, ốm nghén còn có nhiều lợi ích không ngờ đối với thai nhi mà có thể mẹ bầu vẫn chưa tường tận. Đó là những ích lợi gì, mời mẹ tìm hiểu ngay trong bài viết bên dưới.
Khi mang thai, bên cạnh sự thay đổi cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể khiến mẹ chịu nhiều áp lực, mẹ lại còn phải gánh gồng những cơn ốm nghén đến đi bất thường. Thông thường, phụ nữ mang thai bắt đầu bị nghén vào tuần thai thứ 6 trở đi đến cuối tam cá nguyệt đầu tiên sẽ giảm dần và hết hẳn. Nhưng không may mắn khi có không ít mẹ bầu phải chống chịu ốm nghén đến tận tuần thứ 20 của thai kỳ, có người phải “sống chung với lũ” đến ngày con chào đời. Thế mới nói, ốm nghén chẳng khác gì cơn ác mộng khi mang thai của những bà mẹ.
Thế nhưng, mẹ có biết tuy làm mẹ khổ sở như thế nhưng ốm nghén lại là dấu hiệu mang thai lành mạnh đối với bé cưng trong bụng mẹ không?
Ốm nghén có lợi thế nào cho thai nhi?
Mẹ bầu thường gặp chứng ốm nghén trong 3 tháng đầu mang thai. Nguyên nhân gây ra tình trạng ốm nghén ở bà bầu được lý giải là do hormone gonadotropin gia tăng đột ngột và chúng được giải phóng ồ ạt từ nhau thai.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi mẹ mang thai gặp chứng ốm nghén thì không những hạn chế được nguy cơ sinh non, sảy thai mà bé con khi chào đời cũng khỏe mạnh hơn.
Dù ốm nghén chỉ toàn mang đến những phiền toái cho cuộc sống của mẹ nhưng đấy lại đáng để mẹ chịu đựng vì nó là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển hoàn toàn bình thường trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, nếu mẹ may mắn không bị nghén thai kỳ thì cũng không cần thiết phải quá lo lắng đâu mẹ nhé. Chỉ cần mẹ ăn uống đủ chất, luyện tập đều đặn và không quên mất lịch hẹn khám thai định kỳ là được.
Còn với những bà mẹ mang thai bị nghén, tất nhiên sự khó chịu là điều chắc chắn nhưng vì sự khỏe mạnh của bé con thì khó khăn một chút cũng chẳng sao mẹ nhỉ!
Những cách giảm nghén cho mẹ
Ốm nghén có lợi cho thai nhi nhưng đem đến vô vàn mệt mỏi cho mẹ. Mẹ bầu bị nghén có thể tìm đến các giải pháp dưới đây để tránh niềm vui thai kỳ bị gián đoạn.
Uống bổ sung vitamin đúng cách, đúng lúc
Trong suốt thời gian mang thai, mẹ được khuyến khích uống bổ sung vitamin để tăng cường nhóm chất này cho cơ thể giúp bé yêu phát triển toàn diện hơn. Thay vì uống vitamin vô tội vạ, mẹ cần uống đúng cách, đúng thời điểm để giảm nôn mửa. Nếu uống vitamin B6 (25 mg) thì mẹ nên uống cách 8 giờ để tránh buồn nôn.
Các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên uống bổ sung vitamin khi no, tránh uống khi dạ dày rỗng. Thêm vào đó là mẹ nên uống bổ sung viên kẽm (25 mg) mỗi ngày. Tuy nhiên, việc uống bổ sung vitamin các loại rất cần sự hướng dẫn kê toa của bác sĩ tùy theo thể trạng của mỗi mẹ bầu nên mẹ không nên tự ý mua vitamin bên ngoài, nhất nhất phải theo sự cho phép của bác sĩ, mẹ nhé.
Sử dụng thực phẩm, thảo dược, tinh dầu giúp giảm nghén
Tìm đến những thực phẩm giảm nghén như các loại trà thảo dược như trà bạc hà, trà gừng, … hay ngậm kẹo hương vị bạc hà, gừng, … để tránh buồn nôn. Ngoài ra, các loại tinh dầu với hương thơm dễ chịu như bạc hà, oải hương, chanh, sả giúp mẹ rất nhiều trong việc thư giãn, hạn chế cảm giác khó chịu thai kỳ. Mẹ có thể dùng khăn ấm nhỏ vài giọt tinh dầu lên đấy và đắp lên vùng bụng để tận hưởng sự khoan khoái mà liệu pháp này mang lại.
Chế độ ăn uống hợp lý
Khi bị nghén, mẹ cần phải chăm chút cho bữa ăn của mình nhiều hơn trước để làm sao vừa cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho thai nhi vừa giảm nghén hiệu quả cho mẹ.
Chia nhỏ khẩu phần ăn hằng ngày để đảm bảo mẹ không có cảm giác đói bụng cồn cào dễ gây buồn nôn hơn. 3 bữa chính và 5-6 bữa phụ một ngày là hợp lý. Trang bị các thức ăn vặt như bánh quy không đường, không béo để nhâm nhi khi đói. Trước khi đi ngủ, mẹ có thể ăn món nhẹ giàu protein.
Trong thời gian mang thai, mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin nhóm B, sắt cũng như có sự cân bằng giữa nhóm chất đạm và tinh bột trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày để tăng cường hiệu quả giảm nghén. Những món ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, chứa quá nhiều đường hóa học hay caffein không nên xuất hiện trong chế độ ăn hằng ngày của mẹ.
Uống thật nhiều nước để cơ thể luôn được cung cấp nước đầy đủ. Thiếu nước là nguyên nhân gia tăng tình trạng ốm nghén. Vì thế mẹ đừng quên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, kết hợp với việc uống nước chanh, nước ép táo để giữ cho lượng đường trong máu được ổn định, không gây buồn nôn.
Chế độ nghỉ ngơi, luyện tập khoa học
Một giấc ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và giấc ngủ ngắn 30 phút vào buổi trưa giúp cơ thể mẹ hồi phục, tránh tình trạng mệt mỏi, uể oải hơn. Mẹ nên thức giấc một cách chậm rãi, từ tốn không nên hấp tấp vội vã.
Thêm vào đó là các bài tập như đi dạo hít thở bầu không khí trong lành, vận động tay chân nhẹ nhàng sẽ giúp hormone hạnh phúc tiết ra nhiều hơn.
Mẹ thấy đấy, ốm nghén thai kỳ không hề là nỗi ám ảnh nếu mẹ biết học cách “sống chung” với nó.
Từ khóa được tìm kiếm:
- nghen doi
Để lại một bình luận