Bên cạnh việc có thêm sự sống nảy mầm trong bụng mẹ, suốt 9 tháng 10 ngày mang thai sẽ có đến 8 thay đổi được liệt kê trong bài viết dưới đây mà mẹ bầu nào cũng phải trải qua.
Có quá nhiều thay đổi trong cơ thể mẹ ngay khi mẹ biết tin mình có em bé. Tâm lý và cả thể chất của mẹ bắt đầu đổi khác. Về mặt tâm lý, mẹ vừa vỡ òa trong niềm hạnh phúc thì lại thoáng lo lắng về những việc cần phải làm để có thai kỳ khỏe mạnh.
Về thể chất, cơ thể mẹ đón nhận niềm vui này bằng nhiều sự thay đổi có thể nhìn thấy được ở vẻ ngoài như mẹ tăng cân, bụng to dần, chân phù nề, da mặt nổi mụn hay các vết rạn ở da xuất hiện, … Song song đó là những thay khác ở bên trong cơ thể mẹ mà chỉ có mỗi mẹ mới cảm nhận được điều đó.
Có những thay đổi mẹ đã biết ngay từ trước nhưng cũng có nhiều thay đổi mà mẹ chưa từng nghe nói qua. Để chuẩn bị tinh thần cho cả hành trình 40 tuần thai thật viên mãn, mẹ cần tìm hiểu cẩn thận những đổi thay này để không quá lo lắng làm phiền đến niềm vui thai kỳ mẹ nhé.
Một cơ quan mới hoàn toàn phát triển trong cơ thể mẹ
Nhau thai là cơ quan mới hoàn toàn phát triển bên trong cơ thể mẹ bầu và nó được hình thành ngay sau khi trứng được thụ tinh. Một tuần sau khi thụ thai, một túi phôi đa bào xuất hiện ở vị trí thành tử cung. Kích thước của nhau phát triển dựa vào sự nuôi dưỡng của một bộ phận nằm ở lớp ngoài của túi phôi được gọi là lá nuôi phôi.
Nhau thai còn đồng thời là cơ quan nội tiết đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chuẩn bị hình thành tuyến vú và duy trì sức khỏe của mẹ bầu.
Xương mẹ bắt đầu yếu đi
Một số mẹ mang thai hay gặp phải tình trạng đau lưng, đau khớp và kích cỡ chân cũng tăng khiến mẹ phải mua mới giày dép liên tục. Nguyên nhân của tình trạng này là do hormone relaxin cao hơn gấp 10 lần so với giai đoạn trước khi mang thai gây ra sự tác động không nhỏ đến các khớp xương của mẹ.
Buồn nôn thường xuyên
Buồn nôn khi mang thai là hiện tượng phổ biến. Mẹ buồn nôn khi mũi bị khích thích bởi những thứ nặng mùi, đó có thể là mùi thực phẩm tươi sống như cá, ốc, … nhưng đó cũng có thể là món ăn đã chế biến chín kỹ. Cách giải thích lí do thai phụ hay bị buồn nôn được nhiều chuyên gia đồng thuận là vì sự thích nghi của cơ thể mẹ nhằm hỗ trợ phôi thai phát triển một cách an toàn. Điều này có nghĩa là cơ thể mẹ bầu đang phát tín hiệu ngăn chặn hấp thụ những chất có nguy cơ gây hại bé cưng trong bụng mẹ.
Ợ chua
Mẹ bầu hay có triệu chứng ợ chua điều này được giải thích là do tử cung nở rộng chèn ép và tạo áp lực lên hệ tiêu hóa của mẹ. Khi bụng bầu càng lớn, áp lực lên dạ dày và ruột sẽ càng cao gây ra tình trạng ợ chua dai dẳng.
Bàng quang bị co thắt
Thai nhi ngày càng phát triển trong tử cung của mẹ cũng gây ra áp lực lớn lên bàng quang khiến mẹ bầu phải đi tiểu thường xuyên hơn. Ngoài bàng quang, sự lớn lên của thai nhi còn gây áp lực lên cơ xương chậu, niệu đạo nên mỗi lần ho, hắt hơi hay cười to, mẹ bầu thường gặp tình trạng són tiểu.
Lượng máu tăng
Cơ thể phụ nữ mang thai cần nhiều lượng máu hơn trước khi có em bé. Chính xác thì lượng máu trong cơ thể mẹ tăng lên đến 50%. Sự tăng lên của lượng máu này khiến mẹ bầu sẽ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như giãn tĩnh mạch, trĩ, chảy máu cam, nghẹt mũi, …
Ngứa tay
Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở thai phụ với biểu hiện ngứa ran hay tê khắp tay. Lí giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng do chất dịch trong cơ thể tăng lên thời kỳ mang thai, chiếm đến 25% tổng cân nặng và chúng tích tụ nhiều ở bàn tay sau đó là mắt cá và chân dẫn đến tình trạng sưng phù. Cổ tay mẹ bầu sưng có thể gây nên áp lực chèn ép các dây thần kinh dẫn đến hiện tượng ngứa ran mà mẹ cảm nhận được.
Hy vọng bài viết này đã giúp mẹ ít nhiều trong việc giảm thiểu những lo lắng để chăm sóc mình và bé cưng trong bụng tốt hơn.
Để lại một bình luận